Ngày 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tham gia thảo luận tại hội trường.
Bày tỏ ấn tượng về tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, nền kinh tế nước ta dự báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ già hóa dân số, điều này kéo theo nhiều hệ lụy như tốc độ tăng trưởng theo đầu người sẽ giảm xuống, tạo ra nhu cầu sống còn phải cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và các nguồn tăng năng suất khác để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu: “Áp lực ngày càng gia tăng của hệ thống hưu trí và y tế sẽ tạo thêm những thách thức lên nguồn tài chính của Quốc gia; hệ thống chăm sóc cho người tuổi cao, sức yếu cũng sẽ sớm trở thành mối quan ngại. Do đó, việc điều chỉnh, thay đổi pháp luật dân số bằng Luật Dân số trở nên cấp thiết trong lộ trình xây dựng Luật. Đề nghị Chính phủ chú trọng đảm bảo quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần cần được cụ thể hóa, hỗ trợ bằng các biện pháp đi cùng, như: doanh nghiệp không được quyền sa thải phụ nữ đang mang thai, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng, cá nhân đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ. Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, trước mắt đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật đối với sinh con thứ ba có còn phù hợp hay không, để điều chỉnh sửa đổi kịp thời”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, cả nước có trên 16 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 16% dân số, nhưng chỉ có khoảng 5,4 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp người có công. Như vậy, còn khoảng 65% người cao tuổi chưa được hưởng chính sách trợ cấp xã hội. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ người cao tuổi tham gia thị trường lao động công bằng, hợp lý là cần thiết, giảm gánh nặng an sinh cho xã hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu: “Chính sách việc làm cần nhắm tới tăng cường sự tham gia của người cao tuổi đối với thị trường lao động. Cụ thể: cần quy định tối đa số giờ, mức lương tối thiểu phải trả cho người cao tuổi tham gia lao động, chính sách cho vay vốn, học nghề đối với người cao tuổi có mong muốn khởi nghiệp… và đã đến lúc, quy hoạch việc làm phải được chú trọng để trong đó ưu tiên công việc đặc thù cho người già, hạn chế người trẻ và công việc người cao tuổi không được làm...”
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và số lượng cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể: cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động để giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp này; cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão; tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính... Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực đầu tư chăm sóc người cao tuổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này, đặc biệt có quy định về việc huy động vốn của người cao tuổi trong dự án dưỡng lão, đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi.