Sáng ngày 12/2, sau khi khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe các tờ trình về các dự thảo Luật, Nghị quyết được xem xét tại kỳ họp và tiến hành hoạt động thảo luận tại tổ đối với 2 dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham dự thảo luận tại tổ 12 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Ninh Bình, Hưng Yên và Bắc Kạn.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ.

Góp ý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Đoàn, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tham gia một số ý kiến tại khoản 2, Điều 8 dự thảo luật quy định; đồng thời, đề nghị giải thích rõ một số thuật ngữ về quy định thẩm quyền của Chính phủ (Điều 14), của HĐND, UBND cấp tỉnh (Điều 21) trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thuận tiện trong quá trình áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tham gia thảo luận tại tổ.

Đối với việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, dẫn chứng dự thảo Luật quy định 07 trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn (quy định tại khoản 2, Điều 50), ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng một số trường hợp (điểm a, b khoản 1) cần xin ý kiến của cơ quan, người có thẩm quyền, các trường hợp còn lại (từ điểm c đến điểm g khoản 1) đương nhiên được xây dựng, ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn để giảm bớt thủ tục thay vì quy định theo hướng cả 07 trường hợp nêu trên đều phải thông qua thủ tục xin ý kiến của cơ quan, người có thẩm quyền. Đối với Điều 72 về Điều khoản chuyển tiếp, đại biểu đề nghị nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất các nội dung trong dự thảo Luật.

Góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, điều chỉnh lại khoản 2, Điều 5 theo hướng ngắn gọn hơn, bao quát hơn; đồng thời, thay đổi từ ngữ tại khoản 2, Điều 48.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tham gia thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Bình chỉ rõ, luật hiện hành chỉ quy định tạm đình chỉ hoạt động ĐBQH chỉ khi khởi tố bị can nhưng dự thảo Luật bổ sung quy định “có cơ sở xác định xử lý kỷ luật” từ cảnh cáo trở lên đối với ĐBQH là cán bộ, công chức đã tiến hành tạm đình chỉ. Trong khi đó, ĐBQH là do người dân bầu nên việc đình chỉ, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH phải hết sức thận trọng, chặt chẽ; nên chăng có thể quy định “bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên” mới cần phải đình chỉ. Góp ý về việc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quyết định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thay vì quy định trực tiếp trong Luật Tổ chức Quốc hội như hiện hành, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc vẫn quy định luôn trong Luật Tổ chức Quốc hội như hiện nay để đảm bảo quy trình chặt chẽ, tránh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Tham gia ý kiến về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc khi ban hành Luật này theo quy trình tại một kỳ họp, bởi lẽ Luật có phạm vi ảnh hưởng rộng. Góp ý về Điều 8 về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, tại khoản 6, đại biểu chỉ ra những bất cập trong thời gian qua khi ban hành rất nhiều văn bản một luật sửa nhiều luật, đặc biệt khi các luật không có nội dung liên quan với nhau… Từ đó, đề nghị quy định mang tính nguyên tắc để hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung của nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan, người có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo sự chặt chẽ của các văn bản.

 

Lượt xem: 67

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Đóng góp ý kiến cho tin bài


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Thăm dò ý kiến, bình chọn
    Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
    2067 người đã bình chọn
    Thống kê: 1.377.386
    Online: 231