Đứng chân trên địa bàn xã biên giới rẻo cao Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa được thành lập năm 2011 trên cơ sở chia tách từ Trường Mầm non Trọng Hóa. Ngày đầu mới thành lập, kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, địa bàn rộng; 100% con em là người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ giáo viên còn thiếu, đường sá đi lại khó khăn, địa hình đồi dốc, các thôn bản nằm cách xa nhau, qua 13 năm xây dựng và phát triển, Trường đã có nhiều thành tích nổi bật, góp phần ươm mầm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số bên dãy Giăng Màn.
Các giáo viên Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa băng qua ngầm Hà Nông để đến các điểm trường.
Nằm cách trung tâm thị trấn Quy Đạt khoảng 70 km, Trường Mầm non số 2 Trọng Hoá là một trong những trường thuộc vùng khó khăn của huyện miền núi Minh Hóa. Địa bàn xã Trọng Hoá tương đối rộng, dân cư lại thưa thớt, để đến được 7 điểm trường Ka-Ooc, Pa-Choong, Ra Mai, Sy, Chà Cáp, Dộ - Tà Vơng và Lòm, 27 cán bộ, giáo viên nhà trường phải đi qua nhiều đoạn đường đồi núi dốc, quanh co, khúc khuỷu, qua nhiều ngầm sâu, đá trơn trượt, nhưng những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa đã gắn bó với vùng đất biên cương này, chăm sóc, nuôi dưỡng trên 200 cháu trong độ tuổi, tạo niềm tin yêu cho bà con vùng biên giới rẻo cao.
Qua chặng đường xây dựng và phát triển, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của UBND huyện Minh Hóa, Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, đã đưa hoạt động của nhà trường ổn định đi vào nền nếp; quy mô mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng và nâng cấp; đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đủ về số lượng và chất lượng; chất lượng trẻ được nâng lên qua hằng năm. Được sự đầu tư của chính quyền địa phương, của toàn ngành giáo dục, sự phối hợp của lực lượng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn, sự hỗ trợ của Tổ chức Flan, Hệ thống giáo dục Vinschool, Quỹ Edurun, Chương trình “Cơm trưa cho bé”; sự đóng góp ngày công của phụ huynh, đến nay, Trường đã có 03 phòng học kiên cố, 10 phòng học bán kiên cố, 01 văn phòng, 07 phòng hành chính, 05 nhà bếp. Đồ dùng, đồ chơi cho trẻ đảm bảo dạy và học. Một số điểm trường đã có điện năng lượng mặt trời, có 6/7 điểm trường tổ chức ăn bán trú cho các cháu.
Với mục tiêu “lấy trẻ làm trung tâm” và “tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non”, đội ngũ 27 giáo viên đứng lớp tại 7 điểm trường đã tổ chức các lớp dạy ghép theo đúng quy định. Đến nay, Trường đã huy động 100% số trẻ từ 3-5 tuổi vào lớp; 32,4% trẻ từ 0-2 tuổi vào lớp; 100% trẻ 5 tuổi vào lớp. Số trẻ chăm ngoan ngày càng tăng…
Một góc sân của điểm trường Ra Mai.
Xác định nhiệm vụ chuyên môn luôn gắn với công tác nghiên cứu, viết và ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong trường học, hàng năm nhà trường đều có sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Hội đồng xét công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp huyện đánh giá đạt. Năm học 2023-2024, nhà trường đã có 04/04 sáng kiến được công nhận đạt cấp huyện, bao gồm: sáng kiến “Một số giải pháp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ mẫu giáo ghép 3-5 tuổi vùng dân tộc thiểu số” của cô giáo Thái Thị Kim Phượng; sáng kiến “Một số giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi vùng dân tộc thiểu số” của cô giáo Đinh Thị Trà; sáng kiến “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi vùng dân tộc thiểu số phát triển ngôn ngữ” của cô giáo Cao Thị Quỳnh Như và sáng kiến “Một số biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở trường mầm non” của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuyết. Hầu hết các sáng kiến đều được xây dựng từ thực tiễn, gắn với việc chăm sóc, giáo dục con em đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, rất phù hợp với Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa.
Hằng năm, nhà trường tập trung rà soát, điều chỉnh và thực hiện hợp lý việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu kịp thời cho UBND huyện thực hiện việc sử dụng, luân chuyển đúng quy trình đối với cán bộ quản lý và giáo dục mầm non; cơ bản đảm bảo bố trí định mức tối thiểu 2 giáo viên/nhóm, lớp. Nhà trường thực hiện tốt công tác bồi dưỡng từng lĩnh vực cho giáo viên nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên trong dạy học. Tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng. Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa còn luôn khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học phù hợp với từng chủ đề nhằm phục vụ cho hoạt động dạy học. Nhờ vậy, hầu hết ở các điểm trường ở đây, phụ huynh là bà con đồng bào dân tộc thiểu số luôn gửi gắm niềm tin đến các giáo viên mầm non của địa phương mình.
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa tuyên truyền, vận động bà con bản Lòm chuẩn bị cho con em học bán trú.
Và sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng vì con em đồng bào dân tộc thiểu số của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa đã được ngành Giáo dục Quảng Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Quảng Bình ghi nhận. Từ năm học 2015-2016 đến năm học 2022-2023, tập thể nhà trường đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến; năm học 2022-2023, đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Cờ thi đua xuất sắc; năm học 2019-2020 được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Năm học 2022-2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc về đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.
Những ghi nhận ấy chính là niềm động viên, khích lệ lớn lao để tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non số 2 Trọng Hóa tiếp tục vượt qua khó khăn, gắn bó với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền biên viễn phía Tây Quảng Bình.