Những ký ức về “một thời hoa lửa - khoét núi, làm đường” cho các đoàn xe phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ là niềm tự hào không thể quên với cựu thanh niên xung phong tỉnh Bắc Ninh.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đức Cán, sinh năm 1934, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh bên tấm huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đức Cán, sinh năm 1934, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

bên tấm huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Hơn 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về “một thời hoa lửa - khoét núi, làm đường” cho các đoàn xe phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí các cựu thanh niên xung phong tỉnh Bắc Ninh.

Đây chính là niềm tự hào từ trong đáy lòng họ để giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến, hành động.

Ký ức hào hùng

Chúng tôi gặp cựu thanh niên xung phong Nguyễn Đức Cán (sinh năm 1934), xã Hiên Vân, huyện Tiên Du vào một sớm tháng Tư khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).

Ở tuổi 90, có 58 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, trải qua những thăng trầm của thời gian nhưng ông Cán vẫn nhớ như in tháng ngày được triệu tập đi thanh niên xung phong.

Nhấp chén nước chè, ông Nguyễn Đức Cán nhớ lại, giữa năm 1953, khi đó, quê ông bị giặc Pháp xây đồn, bốt, đi càn khắp nơi. Với tình yêu quê hương, đất nước, ông xung phong lên đường phục vụ kháng chiến cứu quốc, tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, cùng các đồng chí làm đường từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) về cầu Gia Bẩy (Thái Nguyên).

Sau khi con đường hoàn thành, ông tham gia thanh niên xung phong, trở thành thành viên Đại đội thanh niên xung phong 228 (C228) thuộc Ủy ban hành chính tỉnh Lạng Sơn, nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông, theo dõi và phá bom nổ chậm tại đèo Tam Canh (huyện Bắc Sơn), cầu Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn), cầu Khánh Khê (tỉnh Lạng Sơn). Đây đều là những tuyến đường trọng yếu vận chuyển lương thực, vũ khí của quân và dân ta.

Ông Nguyễn Đức Cán cho biết khi tham gia thanh niên xung phong, đội của ông có 24 người, mặc dù không trực tiếp cầm súng, vũ khí, trong tay chỉ là cuốc, xẻng, xà beng… nhưng mọi người đều hừng hực khí thế. Không ai bảo ai, mỗi người đều mang theo khẩu hiệu “Bắc Ninh quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.”

Trong thời gian tham gia thanh niên xung phong, ông Cán nhớ nhất khi làm nhiệm vụ tại đèo Tam Canh. Đây là công việc khó khăn nhất, bởi đèo có chiều dài gần 4km, khó quan sát, độ cao trung bình 450-480m so với mặt đất bao quanh là các dãy núi đá vôi dựng đứng.

Ông cùng đồng đội phân công ở các vị trí quan sát, khi phát hiện có máy bay thả bom phá hoại đường vận chuyển của ta, ngay lập tức, ông cùng đồng đội dọn dẹp, “vá đường” cho xe chạy.

Hoặc khi phát hiện quả bom “nổ chậm” nào chưa nổ thì, các thanh niên xung phong cắm cờ ra ký hiệu cho lái xe đi đường, sau đó nhanh chóng đào, vần bom xuống vị trí an toàn, bảo đảm cho giao thông luôn thông suốt.

“Khi chúng tôi làm nhiệm vụ, có những ngày, chỉ một đoạn đường dài 400m đến 500m có hàng chục hố bom sâu, bom nổ chậm nằm sâu dưới mặt đất, rãnh đường. Tất cả đều được thanh niên xung phong giải quyết trong 1-2 giờ. Gian nan, hiểm nguy vậy, nhưng không một ai lùi bước, tất cả đều với tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ,” ông Nguyễn Đức Cán nhớ lại.

TTXVN_0205thanhnienxungphongDienbienphu2.jpg

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Hữu Bảo, sinh năm 1933, quê tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh kể lại ký ức hào hùng cho cháu chắt. (Ảnh: Thanh Thương/ TTXVN)

Cũng giống như ông Nguyễn Đức Cán, ông Nguyễn Hữu Bảo (sinh năm 1933), quê tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, trực tiếp tham gia xẻ núi, làm đường, kịp thời vận chuyển lương thực, vũ khí... cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Bảo chia sẻ tháng 7/1953, ông nhận được lệnh tham gia thanh niên xung phong. Ngay trong đêm, ông và hàng chục thanh niên xã Hiên Vân vượt sông, tập kết tham gia thanh niên xung phong. Ông cùng đồng đội được giao xẻ núi làm đường đoạn từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đi Thái Nguyên.

Ông Bảo nhớ lại khi được đưa đến các điểm làm việc, nhận nhiệm vụ làm đường, mặc dù gian nan, vất vả nhưng với những thanh niên đang độ tuổi sung sức nhất ai đều cố gắng hết sức. Người dùng khoan, người dùng rìu, cuốc, xẻng, người nhồi thuốc nổ phá đá, người khuân đá…, mọi người đều tập trung để hoàn thành con đường nhanh nhất. Với bản tính cẩn thận, khéo léo, ông Bảo được phân công làm nhiệm vụ dồn thuốc nổ, phá núi làm đường.

Đầu năm 1954, cuộc chiến càng đến giai đoạn cam go. Quân địch tập trung toàn bộ lực lượng cho mặt trận Điện Biên Phủ, công việc của quân ta, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong càng khó khăn.

Để ngăn cản công việc tiếp tế của ta, địch tăng cường phá hoại đường giao thông. Chúng cho máy bay ném bom các đoạn đường xung yếu, đèo cao, bến phà ngày càng ác liệt, hòng cản bước tiến của các đoàn tiếp vận.

Ngoài tập trung làm đường nhanh chóng, lực lượng thanh niên xung phong của quân ta cần làm tốt việc bảo đảm an toàn trước sự càn quét của máy bay địch, làm việc mọi lúc, mọi nơi, tất cả vì Điện Biên Phủ.

Ông Bảo không nhớ đã cùng đồng đội hoàn thành bao nhiêu km đường nhưng mọi khó khăn gian khổ trên chiến trường năm ấy không quật ngã được tinh thần thép của người thanh niên xung phong.

Với ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng phục vụ chiến đấu, lực lượng thanh niên xung phong trở thành nguồn bổ sung lực lượng cho bộ đội chủ lực. Đây cũng là lực lượng phối hợp với các lực lượng khác đảm nhận vận chuyển, làm đường trên các hướng tiến công quan trọng dẫn vào Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về quê lao động, sản xuất và tiếp tục tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đến nay, hằng ngày ông vẫn “truyền lửa cách mạng,” giáo dục con cháu tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, cùng sự biết ơn những thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tiếp bước cha ông

Khi đất nước đã hòa bình, không còn đạn bom, lửa khói, được nghe những ký ức hào hùng của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng đều tự hào, tự nhủ bản thân phải phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Anh Đinh Văn Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh chia sẻ được sinh ra, lớn lên trong thời bình, anh luôn ý thức trách nhiệm của bản thân, thế hệ trẻ ngày nay trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển phồn vinh; đồng thời, luôn kiên định lý tưởng cộng sản, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

TTXVN_0205thanhnienxungphongDienbienphu3.jpg

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Hữu Bảo, sinh năm 1933, quê tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh nhớ lại thời khoét núi, ngủ hầm khi làm thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

(Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Những tấm gương chiến đấu dũng cảm của thế hệ thanh niên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà luôn là phần quan trọng trên hành trang của mỗi bạn trẻ trên con đường đi tới. Đồng thời đặt lên cho thế hệ trẻ trách nhiệm trọng đại nhưng cũng rất vinh quang đối với Tổ quốc, nhân dân.

Dịp này, thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên xung phong, Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày… tổ chức buổi nói chuyện, giáo dục truyền thống; hoạt động về nguồn, tri ân, tặng quà, giúp đỡ những người trực tiếp làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó, tinh thần cách mạng được trường tồn, lan tỏa.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có trên 400 thương binh, bệnh binh, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, Anh hùng Lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong số đó, có khoảng 152 chiến sỹ Điện Biên, 80 cựu thanh niên xung phong, 48 dân công hỏa tuyến và 117 gia đình có thân nhân là liệt sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ngày này, tỉnh và các địa phương tổ chức đoàn thăm, tặng quà gia đình thân nhân liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến (trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ) với suất quà trị giá từ 1,5-2 triệu đồng.

Bắc Ninh tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa, viếng các anh hùng, liệt sỹ; gặp mặt, tọa đàm chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, triển lãm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh./.

 

Theo vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/ky-uc-hao-hung-ve-nhung-ngay-khong-quen-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post943161.vnp

 

 

Lượt xem: 75

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1942 người đã bình chọn
      Thống kê: 283.413
      Online: 139