Với mỗi cá nhân, sau những thành công và niềm vui, gia đình là cội nguồn sức mạnh. Sau những đổ vỡ và thất bại, gia đình là nơi nương náu. Và trên tất cả, gia đình là tổ ấm yêu thương, tiếp thêm niềm tin và nghị lực để mỗi người được lớn lên và trưởng thành trên những ngả đường đời.

Gia đình 3 thế hệ của bà Nguyễn Thị Nữ chung sống hòa thuận dưới một mái nhà.

Văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước và cốt lõi của mối quan hệ văn hóa gia đình phương Đông. Đặc điểm của gia đình truyền thống Việt Nam là những gia đình tam, tứ, ngũ đại đồng đường với nhiều thế hệ cộng sinh trong một gia đình. Giá trị gia đình Việt Nam thể hiện ở gia đạo, gia phong và gia lễ. Đó là đạo đức trong gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, vợ chồng, anh em, là cha hiền con hiếu, anh nhường em nhịn, vợ chồng yêu thương nhau. Gia phong được hiểu là thói nhà, là nề nếp trong gia đình hướng tới tinh thần trọng gốc, khuyến khích lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, thủy chung tình nghĩa. Gia lễ là những nghi lễ, tập tục, là cung cách ăn nói, những ứng xử đã trở thành truyền thống, được cha ông giữ gìn qua nhiều thế hệ và được con cháu noi theo. Các giá trị truyền thống trong gia đình đã kết tinh trở thành giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Gia đình cũng trở thành hạt nhân cơ bản và đầu tiên trong mối liên kết nhà - làng - nước, tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Thạc sĩ Lương Thị Lan Huệ - Phó Trưởng Bộ môn Lý luận Mác - Lênin, Trường Đại học Quảng Bình cho rằng: “Trong môi trường gia đình truyền thống, tất cả các thành viên đều có cảm giác được yêu thương, bảo vệ. Điều này xuất phát từ đặc điểm của gia đình truyền thống vốn có nhiều người quây quần bên nhau, giành thời gian cho nhau. Vì vậy, sợi dây tình cảm gắn kết và ý thức trách nhiệm rất cao.

Ở những gia đình tam đại đồng đường với 3 thế hệ chung sống cùng nhau, sự chênh lệch, khác biệt trong lối sống, suy nghĩ và hành động là điều rất dễ xảy ra. Điều quan trọng là các thành viên đều hiểu ý nghĩa và giá trị của gia đình, từ đó biết chia sẻ, yêu thương và nhường nhịn nhau. Gia đình bà Nguyễn Thị Nữ ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh vốn có truyền thống văn hóa văn nghệ, các thành viên trong gia đình bà đều yêu thích và có thể hát được các làn điệu dân ca Quảng Bình. Cứ vào lúc cuối chiều, khi bà đã xong công việc đồng áng, vợ chồng con trai cũng nghỉ ngơi sau những giờ làm việc bận rộn và các cháu đã trở về từ lớp học, mọi người cùng nhau ngồi trước sân nhà, người hò người xố, người đàn người hát, không khí cứ thế rộn ràng, vui tươi. Quãng thời gian ngắn ngủi cuối ngày được sử dụng như nguồn năng lượng tích cực cho mỗi thành viên trong gia đình. “Bản thân tôi là người lớn, là mẹ chồng phải luôn sống mẫu mực. Khi có sự chênh lệch, không hiểu nhau giữa mẹ chồng con dâu, giữa ông bà với con cháu trong gia đình, mình phải ngồi lại để tâm sự, trò chuyện và giữ mái ấm gia đình hạnh phúc”, bà Nguyễn Thị Nữ chia sẻ.

Cùng với sự phát triển của xã hội, mô hình và các giá trị gia đình cũng có sự chuyển mình phù hợp trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp từ gia đình truyền thống và bổ sung những quan điểm hiện đại về hôn nhân, gia đình theo hướng tự do, phóng khoáng hơn. Đơn cử như, không còn cảnh phụ nữ phải ngồi mâm dưới hay phải quán xuyến tất cả công việc gia đình mà hai vợ chồng đều chia sẻ việc chăm sóc gia đình, giáo dục con cái với nhau trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng và yêu thương. Cùng là yêu thương và hướng đến hạnh phúc gia đình, việc dung hòa các giá trị truyền thống và hiện đại là điều quan trọng mà nhiều gia đình đang thực hiện.

Vượt qua những định kiến và lễ giáo thông thường, chị Hường và anh John Paragone

đang từng ngày vun đắp yêu thương cho tổ ấm của mình.

Sinh ra và lớn lên ở nước Mỹ xa xôi, vậy nhưng, duyên số đã khiến anh John Paragone gặp gỡ và yêu thương chị Nguyễn Thị Hường trong một lần anh ghé đến TP Hồ Chí Minh. Năm 2018, anh chị quyết định trở về quê hương của chị là TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để xây dựng gia đình và lập nghiệp cùng nhau. Thời điểm đó, để quyết định tiến tới hôn nhân với anh John, chị Nguyễn Thị Hường đã vượt qua những định kiến xã hội về hôn nhân. Bởi trước đây, ở quê hương chị rất ít người kết hôn với người nước ngoài vì cách biệt địa lý, cách biệt ngôn ngữ và cả nền văn hóa. Thế nhưng, sau 5 năm nên vợ chồng, bằng tình yêu, sự trân trọng và trách nhiệm với gia đình, anh chị đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của mình. “Gia đình là tất cả đối với tôi, đó là lý do tôi ở lại Việt Nam và mở Trung tâm Giáo dục tại đây. Tôi muốn hỗ trợ gia đình, chăm sóc, gần gũi với con cái và lan tỏa quan điểm về giáo dục của mình đến với cộng đồng”, anh John Paragone cho biết. Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ thêm: “Để phát triển mối quan hệ vợ chồng khác biệt văn hóa thì cả 2 người phải cùng nhau cố gắng. Chúng tôi chia sẻ từ những việc nhỏ nhất, ví dụ như tôi sẽ nấu nướng trong gia đình, trong thời gian đó, anh sẽ chăm sóc, tắm rửa cho các con. Nhờ vậy, chúng tôi thêm thấu hiểu và trân trọng nhau”.

Vượt qua những định kiến và lễ giáo thông thường, chị Hường và anh John đã mở ra cho mình cánh cửa mới, cơ hội mới, và cùng nỗ lực, phấn đấu, có trách nhiệm với quyết định của mình. Niềm vui và hạnh phúc hôm nay của gia đình anh chị chính là môi trường giáo dục và nuôi dưỡng tốt nhất để các con của anh chị được lớn lên, trưởng thành và tiếp nối những giá trị tốt đẹp trong gia đình.

Tuy nhiên, ở đâu đó trong cộng đồng hiện nay vẫn có những gia đình vì sự tiếp nhận những tư tưởng hiện đại không chọn lọc mà phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, dẫn đến những hệ lụy đáng buồn trong gia đình. Vẫn còn những câu chuyện buồn dưới những mái nhà: chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con, con cãi lời cha mẹ, lối sống thực dụng, thờ ơ, lạnh nhạt với gia đình cùng nhiều hiện tượng tiêu cực đang làm xói mòn hệ giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nói về điều này, Thạc sỹ Lương Thị Lan Huệ cho rằng: “Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người tham gia nhiều hoạt động xã hội, ít có thời gian tham gia sinh hoạt gia đình. Do vậy, cần có sự cân bằng giữa vợ chồng, chia sẻ công việc, cân bằng trong đối xử giữa con trai - con gái, cân bằng giữ việc nhà - việc xã hội, giữa bên nội - bên ngoại. Gia đình cần duy trì các hoạt động chung với nhau, duy trì bữa ăn chung, các hoạt động vui chơi, hiếu hỉ. Khi các thành viên tham gia các hoạt động như vậy, tự nhiên tình cảm gia đình cũng gắn bó chặt chẽ hơn”.

Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Tại hội nghị văn hóa Việt Nam tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Những chỉ đạo của Đại hội và Tổng Bí thư, một lần nữa khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, hệ giá trị gia đình chính là hạt nhân cơ bản xây dựng hệ giá trị Quốc gia, hệ giá trị văn hóa, xây dựng hình ảnh, phẩm chất con người Việt Nam thời kỳ mới, trở thành nguồn lực nội sinh của quê hương, đất nước trên con đường phát triển. Trong đó, tình yêu thương, sẻ chia, sự tôn trọng, bình đẳng và trách nhiệm là sợi dây xuyên suốt gắn kết thành viên, là nền tảng xây dựng hệ giá trị gia đình. Có được điều đó, thì trong bất cứ giai đoạn nào, thời đại nào, gia đình luôn được vẹn tròn và hoàn thành sứ mạng của mình.

Lượt xem: 293

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1931 người đã bình chọn
      Thống kê: 131.497
      Online: 137