Nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh để nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước; bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh, tăng tỷ lệ học sinh biết bơi, biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035 trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa.
Đối tượng áp dụng tại Chương trình là học sinh cấp Tiểu học, THCS, THPT từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi; cán bộ quản lý, giáo viên, người làm công tác y tế trường học trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Chương trình được triển khai trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; tập trung ở cấp Tiểu học, THCS và cộng đồng dân cư cấp xã (nơi đầu tư bể bơi phục vụ giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn).
Kế hoạch đề ra một số mục tiêu cụ thể, gồm: phấn đấu đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh. Phấn đấu đến năm 2035 đạt tỷ lệ 100%. Phấn đấu đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước. Phấn đấu đến năm 2035 đạt tỷ lệ 95%.
Về tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh: phấn đấu đến năm 2030, tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn. Phấn đấu đến năm 2035, tối thiểu 70% học sinh lớp 5, 80% học sinh lớp 9 và 90% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn.
Về tăng cường đầu tư xây dựng, lắp đặt bể bơi (cố định hoặc di động) trong trường học, tại cộng đồng và duy trì hoạt động hiệu quả: phấn đấu đến năm 2030, tối thiểu 25% trường Tiểu học, 15% trường THCS, THPT có bể bơi và duy trì hoạt động hiệu quả. 50% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2035, tối thiểu 30% trường Tiểu học, 25% trường THCS, THPT có bể bơi và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã, phường, thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn…
Kế hoạch cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, gồm: tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh. Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh. Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học. Đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học. Tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan. Triển khai hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để xây dựng Kế hoạch triển khai; định kỳ báo cáo trước ngày 5/12 hàng năm về tiến độ và kết quả thực hiện gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh.