Nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai các nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trụ sở, tài sản công tại cơ quan, đơn vị trước và sau khi thực hiện sắp xếp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp đề xuất điều chỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực, phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Cung cấp các số liệu và phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng phương án, Đề án (nếu có yêu cầu). Hướng dẫn công tác bàn giao, tiếp nhận và chuyển đổi các loại giấy tờ cho Nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực. Xây dựng phương án quản lý, lưu trữ hồ sơ tài liệu khi sắp xếp đơn vị hành chính đảm bảo quy định.
Đối với UBND cấp huyện, căn cứ các quy định của Trung ương, văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh để rà soát, ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả. Phối hợp rà soát, đề xuất phương án và xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của địa phương, đề xuất liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp báo cáo Sở Nội vụ tổng hợp xây dựng phương án, Đề án của tỉnh.
UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân; chịu trách nhiệm về kết quả lấy ý kiến Nhân dân; tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn và HĐND cùng cấp. Trình HĐND cùng cấp xem xét, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Tại địa bàn phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc sắp xếp như tên gọi và nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính sau sắp xếp thì phải trực tiếp nắm tình hình, chủ động, kịp thời giải quyết các phát sinh trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trụ sở, tài sản công tại đơn vị hành chính cấp cơ sở trước và sau khi thực hiện sắp xếp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
Đối với UBND cấp xã, tổ chức thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các chủ trương, quy định của pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn thôn, bản, tổ dân phố tổ chức lấy ý kiến Nhân dân; tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn để báo cáo UBND huyện; trình HĐND cùng cấp xem xét, thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Chủ động rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền các nội dung liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại đơn vị hành chính cấp cơ sở khi thực hiện sắp xếp; phối hợp thực hiện giải quyết chế độ, chính sách. Tạo điều kiện cho người dân trong sinh hoạt và giao dịch ở đơn vị hành chính cấp cơ sở mới hình thành sau khi sắp xếp; thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp theo thẩm quyền được quy định.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp xã khẩn trương rà soát, lập phương án sắp xếp, bàn giao, quản lý tài liệu lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý để báo cáo UBND cấp huyện tổ chức thực hiện theo đúng quy định.