Nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của gia đình, cá nhân và cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác trẻ em; triển khai kịp thời, đầy đủ và có hiệu quả nội dung của các quyết định, chương trình, đề án về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động vì trẻ em; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Chương trình chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em…

Truyền thông đến từng cộng đồng dân cư, hộ gia đình, trường học, lớp học, nhất là vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, miền núi về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em. Truyền thông rộng rãi các dịch vụ bảo vệ trẻ em, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài hỗ trợ bảo vệ trẻ em của tỉnh (số 18009293) và địa chỉ các cơ quan, tổ chức tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em; phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; có giải pháp bảo vệ trẻ em, thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, phản ánh thông tin về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường.

Thực hiện các giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng, bảo đảm các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ em theo độ tuổi và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, không nơi nương tựa. Ưu tiên bố trí các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em, nhất là các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa và việc tổ chức các hoạt động văn hóa bảo đảm cho trẻ em được tiếp cận môi trường văn hóa lành mạnh.

Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; nhân rộng các mô hình, hoạt động có sự tham gia của trẻ em. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu cho trẻ em  năm 2025, với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em” đảm bảo an toàn, lành mạnh, kết hợp với quảng bá, giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, các sự kiện văn hóa, lễ hội và du lịch của địa phương.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em; hoạt động của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tiếp tục triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em; thực hiện cập nhật, cung cấp và quản lý thông tin trẻ em từ cơ sở đáp ứng yêu cầu về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư theo quy định.

Vận động nguồn lực và sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chế độ báo cáo, đánh giá thực hiện chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình; đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030 theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND cấp huyện, cấp xã khi triển khai thực hiện cần cụ thể nội dung, giải pháp thực hiện về công tác trẻ em phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, công tác triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đạt kết quả. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác trẻ em; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Lượt xem: 72

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      2074 người đã bình chọn
      Thống kê: 1.736.803
      Online: 189