Sáng ngày 25/3, UBND tỉnh đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 188) để đánh giá kết quả thực hiện chống khai thác IUU năm 2019 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, công tác khai thác IUU của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Quảng Bình không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã thực hiện kiểm tra 1.369 lượt tàu cá. Ban Quản lý các cảng cá trên địa bàn tỉnh giám sát 2.960 lượt tàu với sản lượng trên 33.200 tấn thủy - hải sản; xác nhận nguồn gốc thủy sản 416 tấn. Toàn tỉnh có 572 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 55%, cao hơn mức bình quân của cả nước; có 4.768 tàu cá thực hiện đánh dấu nhận biết tàu cá đạt 70%. Công tác quản lý tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch, công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định về khai thác IUU và công tác rà soát, lưu trữ hồ sơ thực hiện chống khai thác IUU được thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, công tác chống khai thác IUU của tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Việc đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá còn chưa đạt tiến độ; chưa ngăn chặn triệt để tình trạng tàu giã cào khai thác trái phép tại vùng biển ven bờ, sử dụng xung điện, thuốc nổ khai thác thủy sản…
|
Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. |
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo 188 đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo188 cũng như các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong thời gian qua. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 188 cũng như các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức thức tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; triển khai nhanh các nguồn vốn hỗ trợ cho bà con ngư dân trong thực hiện việc đánh bắt hải sản trên biển cũng như thực hiện các chính sách pháp luật theo quy định; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho hậu cần nghề cá; xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm pháp luật; rà soát lại các tàu cá trên địa bàn để lập hồ sơ quản lý chặt chẽ…