Chiều ngày 27/9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân Quảng Bình năm 2024 do đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng chủ trì hội nghị có đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong thời gian qua, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh đã có bước phát triển ổn định và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, có những kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những kết quả này đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, trong đó có những đóng góp của các cán bộ, hội viên và bà con nông dân trong tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là lần thứ 2 UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với nông dân trong tỉnh. Sau hội nghị lần trước, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể các sở, ngành giải quyết, trả lời hoặc tham mưu UBND tỉnh trả lời, giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, đề xuất của nông dân, nhất là những kiến nghị liên quan đến chính sách như: hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, hỗ trợ cước phí cho tàu cá khai thác biển xa, hỗ trợ các khu dân cư kiểu mẫu được công nhận.
Tại hội nghị này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng mong muốn được lắng nghe ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp để tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm; đồng thời, mong muốn được bà con nông dân có những đề xuất để tháo gỡ khó khăn, hiến kế, tham gia đóng góp ý kiến đối với những quyết sách của tỉnh để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, các cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã có nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến các nhóm vấn đề như: những giải pháp của tỉnh Quảng Bình về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); hỗ trợ các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP tiếp cận thị trường lớn trong và ngoài nước. Các chiến lược, kế hoạch của tỉnh để tạo ra sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, mang “thương hiệu Quảng Bình” xuất khẩu đi các thị trường lớn trong thời gian tới. Hội viên, nông dân cũng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho các hợp tác xã mới thành lập hoạt động hiệu quả; các chính sách tín dụng ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các các chủ trang trại, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh cũng cho rằng, sản lượng khai thác hải sản hiện nay ngày càng suy giảm, trong khi đó một số tàu cá có công suất lớn khai thác hải sản không đúng ngư trường, các tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ một cách tràn lan không được kiểm soát ảnh hưởng rất lớn đến ngư trường đánh bắt của ngư dân. Vì vậy, mong muốn các cơ quan có thẩm quyền có chế tài xử lý để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng lộng và tạo sự an tâm cho Nhân dân khai thác, đánh bắt thủy sản có hiệu quả hơn. Ngoài ra, hội viên nông dân một số xã biển cũng bày tỏ lo lắng khi hiện nay, một số cửa sông đã bị bồi lấp, vì vậy, mong muốn tỉnh có kế hoạch, giải pháp để khơi thông luồn lạch bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vào, ra được thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho ngư dân.
Hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ các vấn đề liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân một số xã miền núi để có thể làm nhà ở, đồng thời xem xét có giải pháp tăng định mức hỗ trợ về xây dựng nhà ở cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân để phát triển trang trại, gia trại. Các chính sách để hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Chính sách hỗ trợ cho người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng; khó khăn, vướng mắc do cấp đất rừng bị trùng, sai lệch giữa thực địa với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng.
Tại hội nghị, những ý kiến, kiến nghị của các cán bộ, hội viên nông dân đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trao đổi, giải đáp thỏa đáng.
Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị, đề xuất tâm huyết, đầy tránh nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tại hội nghị đối thoại cũng như các sở, ban, ngành, địa phương đã giải đáp, gợi mở, tháo gỡ vướng mắc những nội dung mà nông dân kiến nghị, đề xuất, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, trực tiếp làm rõ thêm một số nhóm vấn đề mà cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh quan tâm trong thực tiễn. Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở những kiến nghị của nông dân, ý kiến của các sở, ngành, địa phương, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức các buổi đối thoại tiếp theo. Hội Nông dân các cấp tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân để kịp thời giải quyết. Tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phát triển sản xuất, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; hăng hái xây dựng nông thôn mới để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh tiếp tục có các ý kiến, kiến nghị, hiến kế để tỉnh có các quyết sách đúng, trúng, phù hợp nhu cầu thực tiễn để đưa kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, hội viên và bà con nông dân trong toàn tỉnh.