Xã Quảng Sơn nằm về phía Nam thị xã Ba Đồn, hình thế uốn lượn theo nhánh sông Nan, là nơi có cả vùng núi, bán sơn địa và đồng bằng. Những lợi thế về địa hình đã tạo nên cảnh sắc hữu tình, trên bến dưới thuyền, núi sông hòa hợp mà ít nơi nào có được. Địa linh sinh nhân kiệt, từ vùng đất ấy đã sinh ra một nhân vật lịch sử để mãi về sau người Quảng Sơn và lịch sử Quảng Bình vẫn tự hào khắc tên: Lãnh binh Mai Lượng.

Lãnh binh Mai Lượng.

Lãnh binh Mai Lượng sinh năm Mậu Tuất (1838), quê ở làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn). Từ nhỏ, ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người anh ruột nuôi dạy và cho ăn học. Là người có tư chất thông minh, Mai Lượng vừa học tập văn chương vừa thường xuyên tập luyện võ nghệ cùng trai tráng trong làng.

Năm Ất Sửu (1865), lúc 27 tuổi, ông tham gia kỳ thi hương do triều đình tổ chức và đỗ cử nhân võ, được triều đình sung vào quân đội và phong chức Hiệp quản, hàm Chánh tứ phẩm. Sau khi vua Hiệp Hòa ký hiệp ước thỏa hiệp với thực dân Pháp năm 1883, Mai Lượng đã từ quan về quê ở ẩn. Tháng 10 năm 1885, khi đoàn hộ giá vua Hàm Nghi từ Hà Tĩnh rút vào miền núi phía Tây Quảng Bình để tránh sự truy đuổi của quân Pháp và tay sai, Mai Lượng đã đến yết kiến và xin phò tá. Vua Hàm Nghi đã phong cho ông chức Lãnh binh, hàm Chánh tam phẩm, bà con yêu quý thường gọi là ông Lãnh Mai. Để bảo vệ khu vực phía Nam của sơn triều, ông chiêu mộ dân binh, nghĩa dũng khởi nghĩa chống Pháp ở vùng hữu ngạn sông Gianh.

Đội quân của Mai Lượng có lúc lên đến hàng ngàn người, được phiên chế tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ. Từ thượng nguồn sông Rào Nan, nghĩa quân mở rộng căn cứ đến vùng Troóc, kiểm soát cả một vùng từ Cao Mại qua Hóa Sơn, Cổ Liêm, Ngọc Lâm, Minh Cầm, Khương Hà xuống cả vùng đồng bằng hạ lưu sông Gianh. Căn cứ chính của nghĩa quân được đóng ở Khe Cấy, Ba Ô thuộc vùng rừng núi Cao Mại (Cao Quảng ngày nay), được bố phòng chặt chẽ, có nơi luyện tập cho binh sỹ, xưởng đúc rèn vũ khí, gươm đao. Tại căn cứ, ông còn cho quân sỹ phát nương làm rẫy có lương thực để chiến đấu lâu dài. Dựa vào địa thế rừng núi, nghĩa quân của Lãnh binh Mai Lượng thường dùng lối đánh du kích, mai phục, khi xung trận thì dũng mãnh, mưu trí. Nghĩa quân hoạt động mạnh mẽ nhất vào giai đoạn từ năm 1886-1889 với một số trận đánh nổi tiếng như các trận ở làng Trung Thôn, Biểu Lệ, Lâm Xuân, Hòa Ninh, Diên Trường… Đặc biệt, ở những nơi có đồng bào Thiên Chúa giáo, ông rất chú ý tuyên truyền cho Nhân dân chủ trương đoàn kết lương, giáo. Vì vậy, được Nhân dân trong vùng yêu mến và hết sức che chở.

Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương chống Pháp tại Quảng Bình gần như tan rã. Riêng ở Cao Mại, nghĩa quân của Mai Lượng, nhờ được sự bảo vệ và giúp đỡ lương thảo của người dân nên đã củng cố lực lượng, tiếp tục kháng cự với địch. Thời gian sau đó, Lãnh binh Mai Lượng còn có kế hoạch cùng với nghĩa quân của Phan Đình Phùng phối hợp hoạt động, duy trì và mở rộng cuộc khởi nghĩa. Giữa lúc nghĩa quân đang dồn sức chống trả những cuộc càn quét của địch thì Lãnh binh Mai Lượng lâm bệnh sốt rét ác tính và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12 tháng 5 năm 1890 tại xóm Cáo bên bờ Nam sông Rào Nan. Kết thúc cuộc đời oanh liệt của một vị võ tướng.

Cùng với những tên tuổi như Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Mô Khởi, Đoàn Chí Tuân, thì Lãnh binh Mai Lượng là một dũng tướng đóng vai trò to lớn trong phong trào Cần Vương tại Quảng Bình. Đến nay, hơn 130 năm sau ngày ông hy sinh, tên buổi vị Lãnh binh tài ba mưu lược vẫn được khắc ghi trong lịch sử. Và trong những câu chuyện được lưu truyền lại đến đời sau, hình ảnh của ông là hình ảnh của một võ tướng gần gũi và thân thuộc, một ông Lãnh Mai yêu nước và thương dân. Uy tín và tiếng tăm của Lãnh binh Mai Lượng còn được lưu dấu trong bài vè Bình Tây, sát tả, một bài vè phổ biến tại Quảng Bình cuối thế kỷ XIX kể về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở địa phương: "Sơn triều binh tướng những ai / Thọ Linh có một Lãnh Mai kéo về / Thanh Thủy thì có quan đề / Hạ Thôn quan hữu kéo về quyên lương".

Ông Mai Xuân Vĩnh - hậu duệ đời thứ 4 của Lãnh binh Mai Lượng (thứ 2 từ trái qua)

trong lễ trao Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ họ Mai.

Dòng họ Mai ở Quảng Sơn từ xưa đến nay có nhiều người học hành thành tài, đỗ đạt làm quan, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu nhất là Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh – Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Tư lệnh quân chủng hải quân, là chắt nội của Lãnh binh Mai Lượng, cũng là người kế thừa thành công sự nghiệp cầm binh của ông ngày trước.

Hơn một thế kỷ sau cuộc khởi nghĩa của vị Lãnh binh, ở làng quê này vẫn núi thiêng sông gấm, dòng Rào Nan vẫn hiền hòa trôi và người Quảng Sơn vẫn chân chất, mộc mạc. Mộc mạc nhưng cũng mạnh mẽ và kiên cường. Truyền thống ấy đã được hình thành và nối tiếp qua bao thế hệ ở đất Quảng Sơn này. Và không chỉ có thế, di sản mà vị Lãnh binh tài ba để lại cho người Quảng Sơn còn là tinh thần nhân văn trong mưu lược cầm quân, và trong cả tư tưởng tiến bộ được thể hiện sinh động qua câu chuyện lịch sử về ông. Vì thế, bây giờ và mãi về sau, đất Quảng Sơn, người Quảng Sơn vẫn khắc ghi và tự hào về một người con Trung – Nghĩa – Trí – Dũng như Lãnh binh Mai Lượng.

 

Lượt xem: 278

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1932 người đã bình chọn
      Thống kê: 140.439
      Online: 194