Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch CCHC với chủ đề là “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, triển khai trên 7 lĩnh vực, 36 nhiệm vụ. Trong quý III và 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về cải cách thể chế, trong 9 tháng, UBND tỉnh đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương trên các lĩnh vực. Về cải cách thủ tục hành chính, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 56 thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền. Đặc biệt, trong 9 tháng, đã sửa đổi, bổ sung 9 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy định mới, sửa đổi, bổ sung 7 thủ tục hành chính trong lĩnh vực nội vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Rà soát, bãi bỏ một số văn bản quy định. Các cơ quan Nhà nước đã tiếp nhận gần 230.800 hồ sơ trực tuyến, trực tiếp và dịch vụ bưu chính; đã giải quyết hơn 220.100 hồ sơ; giải quyết đúng hạn, trước hạn hơn 197.300 hồ sơ và quá hạn 22.800 hồ sơ. Tiếp nhận và xử lý đúng quy định 82 phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công được thực hiện tích cực. Công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc chỉ đạo, đôn đốc của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời, nên nhiều thủ tục hành chính còn chậm trễ. Một số sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung để tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Tỷ lệ hồ sơ quá hạn tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia còn cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích về những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính quý III, 9 tháng đầu năm và đề xuất các giải pháp để đẩy mạnh công tác CCHC trong quý IV năm 2024.
Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nêu lên những khó khăn và thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục trong công tác CCHC, đồng thời yêu cầu: trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo, các sở, ban, ngành, địa phương cần khẩn trương cụ thể hóa Luật Đất đai và các Luật mới có hiệu lực thi hành. Rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch CCHC năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; có giải pháp cụ thể, thiết thực, quyết liệt, tạo đột phá mạnh mẽ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đôn đốc, kiểm tra, rà soát các cơ quan, đơn vị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ, chất lượng. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện thủ tục hành chính. Sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, đơn vị, trọng tâm là sáp nhập, hợp nhất, giảm đầu mối bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ phục vụ cho công tác CCHC.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cũng nhấn mạnh: các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành Kế hoạch tài chính và giải ngân vốn đầu tư công, chấn chỉnh, xử lý một số nhà thầu không đảm bảo năng lực, triển khai thi công không đúng tiến độ hợp đồng. Nâng dần mức tự chủ kinh phí chi thường xuyên tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch theo quy định, 100% hồ sơ phải tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phát triển dữ liệu số, gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng để xây dựng chính quyền số, dẫn dắt phát triển kinh tế số và xã hội số. Triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương; đồng thời đề nghị, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống Mặt trận tăng cường vai trò giám sát, phản biện đối với các hoạt động của cơ quan hành chính các cấp, nhất là việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, thực thi công vụ, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính và đội ngũ công chức, viên chức.