Chiều ngày 22/10, Bộ Ngoại giao đã chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề "Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững".
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu trong cả nước. Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Với số lượng tín đồ Hồi giáo toàn cầu hơn 2 tỷ người vào năm 2024, chiếm gần 25% dân số thế giới, thị trường Halal hiện nay là lĩnh vực có tiềm năng lớn và phát triển mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ chạm ngưỡng 10 nghìn tỷ USD trước năm 2028. Các sản phẩm Halal không chỉ đáp ứng nhu cầu của các nước Hồi giáo mà còn thu hút sự quan tâm từ các Quốc gia phi Hồi giáo nhờ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: đây không chỉ là dịp để các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm mà còn là bước ngoặt để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên bản đồ Halal thế giới. Đồng thời là cơ hội để Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu. Việt Nam hiện đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển ngành Halal nhờ vào thế mạnh sản xuất và xuất khẩu trong các lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, du lịch và dệt may. Chính phủ đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.
Tại hội nghị, các phiên thảo luận tập trung vào 2 chủ đề chính, đó là: "Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam: Tiềm năng và định hướng"; "Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam: Cơ hội và triển vọng". Hội nghị cũng chứng kiến sự ra mắt của "Góc Halal" và nhiều văn kiện hợp tác quan trọng được ký kết.