Vừa qua, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã tổ chức phiên họp quý III/2024, lồng ghép với Hội thảo chuyên đề hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia và của tỉnh (10/10), do đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì. Trên cơ sở các báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, tham luận của các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, một số địa phương và các đại biểu tham dự, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã có một số kết luận tại phiên họp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu kết luận tại phiên họp được tổ chức vào ngày 9/10/2024.
UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác tỉnh đánh giá cao những kết quả đã đạt được tính đến quý III/2024 của công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy kinh tế số, xã hội số cùng phát triển. Đến nay, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và của từng chuyên ngành đã được triển khai hiệu quả; nhiều hệ thống đã trở thành công cụ gắn liền, không thể thiếu trong hoạt động công vụ hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức. Đề án 06 ngày càng phát huy hiệu quả, thúc đẩy rõ nét chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mỗi người dân đều có thể sử dụng tài khoản VneID để xác thực danh tính điện tử khi thực hiện dịch vụ công và thực hiện một số giao dịch, dịch vụ xã hội khác…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Vẫn còn một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 và chuyển đổi số của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chưa hoàn thành hoặc chậm tiến độ. Quảng Bình là một trong những tỉnh có tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính “xử lý quá hạn” cao nhất cả nước, trên 20%. Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh còn 21 thôn/bản chưa có sóng băng rộng di động do chưa có điện lưới. Một số dữ liệu thiết yếu theo Đề án 06 chưa hoàn thành số hóa…
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về chuyển đổi số và Đề án 06 theo tiến độ, yêu cầu đề ra trong năm 2024 và hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2024.
Cụ thể, hai Cơ quan Thường trực là Sở Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Thường trực, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, đặc biệt là nhiệm vụ chưa hiệu quả, chậm chuyển biến. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh để tham mưu xây dựng các Kế hoạch Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 năm 2025 của tỉnh theo đúng nội dung, lộ trình, thời hạn đề ra. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu…
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện: trên cơ sở 2 báo cáo đánh giá tình hình quý III, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý IV/2024 của Sở Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải thực hiện ngay việc rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024 của ngành, lĩnh vực, địa phương mình để đôn đốc thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, có sản phẩm cụ thể. Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện của từng đơn vị, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được giao thực hiện; đặc biệt là các sở, ngành, đơn vị được giao triển khai các hạng mục giai đoạn 2 Dự án Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình để sớm đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả trong năm 2025…
Về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06, các sở, ngành được giao chủ trì từng nhiệm vụ và các sở, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm chủ động phối hợp để chỉ đạo thực hiện hiệu quả 3 nhóm vấn đề: một là đảm bảo hoàn thành và duy trì việc thu thập, số hóa dữ liệu chuyên ngành, tích hợp với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư “đúng - đủ - sạch - sống”. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ số hóa các dữ liệu thiết yếu chưa hoàn thành như: hộ tịch, đất đai, lao động việc làm, trẻ em, an sinh xã hội, thuế... Hai là chủ động thực hiện các nhiệm vụ tích hợp, kết nối giữa các hệ thống thông tin của bộ/ngành Trung ương với các hệ thống thông tin của tỉnh. Ba là triển khai hiệu quả các tiện ích, dịch vụ từ Đề án 06 đến người dân, doanh nghiệp; đảm đúng tiến độ, chỉ tiêu được giao. Trong đó, chú trọng các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt kết quả thấp như: chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt...