Những ngày giáp Tết là thời điểm để nhiều người tranh thủ buôn bán, kinh doanh với hy vọng sẽ có một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Tuy nhiên, không phải ai cũng được như thế. Với những người buôn hoa Tết, ngoài việc phải chống chọi với thời tiết thì việc buôn hoa còn phụ thuộc vào thị trường và người mua hoa.

Anh Trần Công Sang đang chăm sóc hoa Tết.

Chợ hoa những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, anh Trần Công Sang vẫn đang chăm sóc cho gần 200 chậu cúc của mình. Đây đã là năm thứ 7 anh Sang buôn hoa Tết. Dù có những năm bị lỗ vốn, vậy nhưng cứ gần Tết anh lại cất công vào tận Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tìm các loại quất, đào, mai, cúc đem về bán. Năm nay, anh Sang cùng với 3 người bạn khác, mỗi người đầu tư gần 100 triệu đồng để buôn hoa Tết. Anh Sang cho biết: “Tết năm 2023, tôi cũng buôn hoa Tết nhưng bị lỗ vốn, còn khá nhiều chậu cúc, đào. Chiều 30 Tết, anh em chúng tôi đem biếu các chị công ty vệ sinh môi trường đang làm việc. Buôn hoa Tết vất vả lắm, chúng tôi phải ngồi ngoài sương ngoài gió đến 15 ngày, mà nhiều khi bị lỗ vốn. Nghĩ cũng buồn”.

Một chậu hoa cúc khá lớn có giá 250 nghìn đồng. Anh Sang cho biết, đó là giá thành phù hợp với số vốn, công sức chăm sóc của người chủ. Tuy nhiên, dù đã bắt đầu bán từ sau rằm nhưng đến nay, thị trường hoa Tết vẫn chưa sôi động, anh Sang không khỏi lo lắng vì 2023 là một năm kinh tế nhiều khó khăn, khả năng sức mua của thị trường không bằng những năm trước. Và thêm một nỗi niềm mà những người buôn hoa Tết như anh Sang luôn canh cánh, đó là tình trạng một số người dân chờ đến chiều 30 Tết để mua với giá rẻ. Nhiều người chủ, vì muốn nhanh chóng về với gia đình nên đành bán hoa với giá dưới mức giá trị của cây hoa.

Những người buôn hoa Tết, họ có thể là những nông dân, người buôn bán nhỏ… vốn đã vất vả trong công việc thường ngày. Trong những ngày Tết, khi người người, nhà nhà tất bật mua sắm, dọn dẹp đón Tết thì họ lại tạm xa gia đình để “ăn cùng hoa, ngủ cùng hoa” mong muốn có thêm nguồn thu nhập.

Anh Đào Văn Sum mang gần 100 chậu mai từ Bình Định ra Quảng Bình bán Tết.

Anh Đào Văn Sum, 33 tuổi là người Bình Định. Tết này, anh đem gần 100 chậu mai vượt gần 500km từ Bình Định ra Quảng Bình để bán. Gia đình anh Sum vốn có vườn mai khá lớn. Nếu như những năm trước, người buôn hoa thường nhập sỉ từ vườn của anh để bán thì năm nay, vì tình hình kinh tế khó khăn, số người buôn mai giảm sút, anh Sum đành tự mình đưa mai ra bán ngoài thị trường. Với giá thành mỗi chậu mai từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, anh Sum xác định, luôn bán đúng với giá trị thật của cây mai, không vì thị trường mà tăng hay giảm giá bán. Và dù không thể bán hết thì anh sẽ đem số còn lại về lại vườn để chăm sóc. Anh Sum cho biết:  “Tôi từ Bình Định ra bán từ ngày 18 âm. Đến nay vẫn còn khá nhiều mai. Chăm sóc một chậu mai cũng nhiều công đoạn lắm. Tôi cũng muốn nhanh bán hết mai để sớm về với vợ con”.

Những bông hoa nhiều màu sắc luôn đem đến sự tươi mới và hy vọng. Việc mua hoa, bán hoa vì vậy cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Và với anh Trần Công Sang, anh Đào Văn Sum hay rất nhiều những người buôn hoa ngày Tết, dù việc buôn bán có lời hay lỗ, dù vẫn còn đó những nỗi niềm thì trên hết với họ vẫn là niềm vui khi được mang mùa xuân đến với mọi nhà.

 

Lượt xem: 227

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1932 người đã bình chọn
      Thống kê: 140.778
      Online: 150