Chiều ngày 22/4, Ban Bí thư tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển ngành Thủy sản bền vững bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương, kết hợp trực tuyến tới điểm cầu các địa phương.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Lưu Quang, UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ .

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình có đồng chí Vũ Đại Thắng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành. Hội nghị cũng được kết nối đến điểm cầu các Huyện, Thị, Thành ủy trong toàn tỉnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản. Chỉ thị nêu rõ, những năm qua, ngành Thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành Nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 Quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới; giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.

Tuy nhiên, phát triển ngành Thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá Quốc gia; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; xây dựng chuỗi sản xuất thuỷ sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế. Vì vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đẩy mạnh công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo đảm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã báo cáo chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư; xác định công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành Thủy sản; thực hiện mục tiêu gỡ thẻ vàng trong năm 2024; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản. Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã chỉ ra những kết quả, khó khăn, hạn chế trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, đặc biệt là các địa phương đã bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có giải pháp và cam kết nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, thời gian qua, chúng ta đã nhận thức sâu sắc về những tác động tiêu cực trước cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu đối với phát triển thủy sản bền vững cũng như đời sống của ngư dân, tuy nhiên việc triển khai thực hiện để gỡ “Thẻ vàng” vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vì vậy, Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị. Để quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” trong năm 2024, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt cũng như trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các đơn vị, địa phương, cũng như của chính bà con ngư dân; các đơn vị, địa phương tiếp tục biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc gỡ “Thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu cũng như kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa nghiêm.

Đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư tin tưởng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng khi nhận thức đầy đủ, hành động quyết liệt, Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với Quốc tế cũng như góp phần nâng cao đời sống của ngư dân.

Lượt xem: 219

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1931 người đã bình chọn
      Thống kê: 134.694
      Online: 42