Sáng ngày 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu rõ, từ các vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước. Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, sẽ có kiến nghị như thế nào để Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ, để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI).  “Đến nay gần 80 năm, vẫn chỉ dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra thì mới truy tố, đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố. Hiện nay có rất ít Cơ quan Kiểm toán tối cao ở các nước phát triển tham gia chức năng này. Và Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao cũng chưa có hướng dẫn về nội dung này”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu dẫn chứng. Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thời gian tới sẽ cố gắng làm tròn chức năng đánh giá, xác nhận kiến nghị theo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Cũng chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, Kiểm toán Nhà nước đang đẩy mạnh việc ứng dụng dữ liệu điện tử trong hoạt động kiểm toán, tiến tới hoạt động kiểm toán số. Như vậy, sẽ liên quan đến việc liên thông chia sẻ dữ liệu. Đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết hệ thống Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ dự kiến phối hợp và chia sẻ dữ liệu như thế nào để tránh tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán, tiết kiệm thời gian, nhân lực?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình về đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thực hiện chế độ phát triển kiểm toán đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhấn mạnh đến 3 trụ cột: hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. 

Thực hiện nhiệm vụ trên, cơ quan Kiểm toán đã ban hành Chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành đến năm 2030; trong đó có chú trọng đến cơ sở hạ tầng, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là chia sẻ, truy cập dữ liệu thông tin giữa các cơ quan. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan Kiểm toán kỳ vọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ được thuận lợi hơn.

 

Lượt xem: 825

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1931 người đã bình chọn
      Thống kê: 131.525
      Online: 25