Phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ - Đó là chỉ đạo trọng tâm của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tại hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tổ chức vào sáng ngày 31/3. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Công Huấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh hội nghị.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Quảng Bình đạt 90,23%. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư trong điều kiện tình hình dịch bệnh kéo dài thời gian qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài những dự án từ nguồn ngân sách Trung ương trong nước được giải ngân tốt thì có một số dự án gặp nhiều vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. Một số dự án ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình chỉ mới đạt tỷ lệ 2,3%; Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, tỷ lệ giải ngân 0%.

Năm 2022, tổng số vốn đầu tư công của Quảng Bình được giao theo Nghị quyết của HĐND tỉnh là hơn 5.260 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh phân bổ gần 3.780 tỷ đồng; cấp huyện phân bổ hơn 1.480 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã phân bổ 96,4% số vốn; UBND cấp huyện đã phân bổ 78,2% số vốn HĐND tỉnh giao. Kết quả giải ngân đến hết quý I ước đạt 8%.

Đánh giá chung cho thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực. Việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 có nhiều đổi mới, trong đó ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các công trình lớn, quan trọng, có tính lan tỏa. Tuy nhiên, dự báo những khó khăn do dịch Covid-19; biến động thị trường; việc triển khai các dự án khởi công mới dẫn đến mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, các thủ tục giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về các giải pháp cần thực hiện để giải ngân vốn đầu tư công, trong đó các đại biểu đều cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng để khắc phục được sự chậm trễ, kéo dài thời gian trong công tác triển khai dự án.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhất là vào thời điểm triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Bên cạnh ghi nhận kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó phải nói đến năng lực của các chủ đầu tư. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải nhìn nhận rõ hạn chế để có giải pháp phù hợp, quyết liệt trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; phấn đấu đến ngày 31/12/2022 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn giao theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình phát triển phục hồi kinh tế - xã hội của UBND tỉnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng. Thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình. Tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục sau đấu thầu để dự án có thể triển khai thi công ngay. Rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.

Lượt xem: 543

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Đóng góp ý kiến cho tin bài


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Thăm dò ý kiến, bình chọn
      Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
      1934 người đã bình chọn
      Thống kê: 169.493
      Online: 3