Chiều ngày 9/10, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tổ chức phiên họp nhằm đánh giá kết quả triển khai hoạt động chuyển đổi số và Đề án 06 trong 9 tháng đầu năm 2024, lồng ghép với tổ chức hội thảo chuyên đề về một số giải pháp nhằm triển khai, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh phiên họp và hội thảo chuyên đề.

Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và đồng chí Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh; các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Đặt vấn đề tại phiên họp và hội thảo chuyên đề, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của Quốc gia. Đặc biệt, ngày Chuyển đổi số 10/10 hàng năm là sự kiện giúp nâng cao nhận thức của toàn dân về công tác chuyển đổi số. Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, nội dung hội thảo chuyên đề về một số giải pháp nhằm triển khai, thúc đẩy chuyển đổi số trước phiên họp nhằm mục đích giới thiệu, chia sẻ, thảo luận về một số giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), một công nghệ chủ chốt của chuyển đổi số, đô thị thông minh. Từ đó để các cấp, các ngành tham khảo, mở rộng, nhận thức sâu hơn về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số; đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp này nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo chuyên đề, các đại biểu đã được đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số giới thiệu về vai trò của AI trong kinh tế số tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trải nghiệm, hành chính công, giáo dục và đào tạo, năng lượng tái tạo. Các giải pháp quản lý đô thị thông minh sử dụng camera trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và các sở, ngành phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp các giải pháp về công nghệ, chuyển đổi số, AI nghiên cứu, xem xét, đề xuất ứng dụng các giải pháp này một cách phù hợp tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu suất, hiệu quả quản lý, điều hành, giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Về kết quả triển khai hoạt động chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, trong 9 tháng năm 2024, việc xây dựng và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; thúc đẩy kinh tế số, xã hội số cùng phát triển. Tính đến nay, nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và của từng chuyên ngành đã được triển khai hiệu quả; nhiều hệ thống đã trở thành công cụ gắn liền, không thể thiếu trong hoạt động công vụ hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức. Đề án 06 ngày càng phát huy hiệu quả, thúc đẩy rõ nét chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mỗi người dân đều có thể sử dụng tài khoản VneID để xác thực danh tính điện tử khi thực hiện dịch vụ công và thực hiện một số giao dịch, dịch vụ xã hội khác; nhiều tiện ích, ứng dụng số đem lại từ Đề án 06 từng bước được phổ cập trong các hoạt động đời sống xã hội như: quản lý cư trú, hộ tịch, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội, quản lý học sinh, tuyển sinh, thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, hai Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh là Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Thường trực, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các nhiệm vụ chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06, đặc biệt là nhiệm vụ chưa hiệu quả, chậm chuyển biến. Hàng tháng có văn bản đôn đốc và báo cáo Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để chấn chỉnh. Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh để tham mưu xây dựng các Kế hoạch Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 năm 2025 của tỉnh theo đúng nội dung, lộ trình, thời hạn đề ra. Tham mưu việc hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 cấp thôn, bản và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực tiễn. Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu xây dựng Đề án Chuyển đổi số mang tính đột phá của tỉnh theo Chỉ thị số 34 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh theo các hạng mục, dự án đã giao cho Sở thực hiện. Giao Công an tỉnh duy trì củng cố, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; thực hiện hiệu quả công tác cấp căn cước; trọng tâm là cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 đúng tiến độ, hiệu quả; theo dõi, đôn đốc việc triển khai các dịch vụ, tiện ích từ Đề án 06. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện phải rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024 của ngành, lĩnh vực, địa phương mình để đôn đốc thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, có sản phẩm cụ thể. Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện của từng đơn vị, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được giao thực hiện; đặc biệt là các sở, ngành, đơn vị được giao triển khai các hạng mục giai đoạn 2 Dự án Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình để sớm đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả trong năm 2025. Rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương; bảo đảm cấu hình, hiệu năng để phục vụ chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát, tái cấu trúc các quy trình xử lý công việc, giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quan điểm, định hướng của Thủ tướng Chính phủ. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, thực thi pháp luật về chuyển đổi số. Phối hợp tổ chức ngày Chuyển đổi số Quốc gia và của tỉnh 10/10 theo Kế hoạch đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền về chuyển đổi số và Đề án 06, đặc biệt là tuyên truyền và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các tiện ích từ Đề án 06 gắn với sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong triển khai công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Nhân dịp ngày Chuyển đổi số Quốc gia và của tỉnh ngày 10/10, đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan báo chí, các sở, ban, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Đề án 06 và chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Lượt xem: 17

Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Đóng góp ý kiến cho tin bài


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
     Thăm dò ý kiến, bình chọn
    Đánh giá của bạn về Trang Thông tin điện tử
    1931 người đã bình chọn
    Thống kê: 122.312
    Online: 162