Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam đến đông đảo tầng lớp nhân dân cả nước. Thí sinh có thể dự thi trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tại địa chỉ http://cuocthi.vnmac.gov.vn/.

Nội dung các câu hỏi trong cuộc thi là cách nhận biết, phòng tránh tai nạn bom mìn. Bộ đề thi gồm 1 Video clip và 5 câu hỏi trắc nghiệm. Thí sinh tham gia dự thi xem video clip sau đó trả lời câu hỏi trắc nghiệm trên máy vi tính hoặc các thiết bị điện tử khác có kết nối Internet theo phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn. Thời gian làm bài là 30 phút. Thời gian dự thi từ ngày 4/4 đến hết 4/5.

Giải thưởng của cuộc thi gồm: 1 giải Nhất (10 triệu đồng); 2 giải Nhì (5 triệu đồng/mỗi giải); 3 giải Ba (3 triệu đồng/mỗi giải); 10 giải Khuyến khích (1 triệu đồng/giải). Ngoài ra, các thí sinh còn nhận được bằng khen của ban tổ chức cuộc thi.

Phat dong cuoc thi ve cach nhan biet, phong tranh tai nan bom min hinh anh 1Thí sinh tham gia thi trực tuyến tại địa chỉ  http://cuocthi.vnmac.gov.vn/. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố từ ngày 15/5 trên trang thông tin điện tử Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tại địa chỉ http://vnmac.gov.vn/ và fanpage  https://www.facebook.com/vnmac.gov.vn/. Dự kiến, thời gian trao thưởng là từ ngày 15/5 đến ngày 31/5.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi có trên 22.800 người là nạn nhân do vướng bom mìn trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, trong đó có 10.540 người chết và 12.260 người bị thương. Hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxin.

Ước tính hiện nay số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800.000 tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu hecta, chiếm 18,82 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.

Ngày 4/4 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (còn gọi là Ngày quốc tế nâng cao nhận thức về bom mìn). Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bom mìn.

Trong giai đoạn 2010-2020, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Cụ thể, cả nước đã tiến hành khảo sát, rà phá được gần 500.000 hecta đất ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, tăng 35% so với giai đoạn trước); công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh. Tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu hecta đất đai, tương đương 17,71% diện tích.

Qua 10 năm thực hiện, Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn đã huy động được gần 13.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ các tổ chức quốc tế gần 100 triệu USD.

 

Theo Hồng Kiều
vietnamplus.vn