Ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022).

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 70 ký họa (thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954-1975.

Các họa sỹ đã sử dụng chất liệu màu nước, bột màu, bút sắt, chì… để ghi lại những trang nhật ký chiến trường về con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của quân và dân Nam bộ, như ký họa “Xuân trong hầm pháo” (Thái Hà), “Nghỉ đêm trong làng” (Thái Hà), “Trận Bình Giã 1965” (Huỳnh Phương Đông), “Trên đường vào Nam cắt tóc” (Lê Lam), “Chị Quyên” (Lê Lam), “Ngoan cường trong chiến đấu” (Cổ Tấn Long Châu)…

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Anh Minh Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hay: “Ký họa kháng chiến là một trong những thể loại đặc biệt của mỹ thuật cách mạng Việt Nam, ra đời từ hoàn cảnh chiến tranh của đất nước. Ký họa kháng chiến là hình thức vẽ nhanh nhằm ghi lại cảm xúc của con người về những hình ảnh sự kiện, nhân vật gắn liền với cuộc kháng chiến chống xâm lược giành độc lập của dân tộc Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20.”

Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 2Triển lãm là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, yêu hòa bình và lòng tự hào dân tộc. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Vào giai đoạn đầu, các họa sỹ vẽ ký họa chưa nhiều nhưng khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, họ nhận thức được sứ mệnh của lịch sử và trọng trách của người họa sỹ, họ tranh thủ từng phút từng giờ để ghi nhận thật nhanh, thật nhiều, thật chính xác từng con người, từng sự kiện, quang cảnh của đất nước.

Ông Nguyễn Anh Minh khẳng định ký họa kháng chiến miền Nam được hình thành, phát triển và đóng vai trò chủ lực đối với mỹ thuật miền Nam trong thực tế khắc nghiệt của chiến tranh. Hàng ngàn ký họa ra đời đã trở thành những minh chứng chân thực của lịch sử, thể hiện khát vọng hòa bình, sự chính nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

“Ký họa kháng chiến miền Nam khắc họa những hình ảnh vừa bình dị, vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, không mang nặng tính tàn khốc của chiến tranh. Đây chính là điểm khác biệt của ký họa chiến trường Việt Nam so với các ký họa chiến trường khác trên thế giới,” ông Minh nhận định.

Chia sẻ về bộ sưu tập, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Dưới góc nhìn và sự sáng tạo của họa sỹ-chiến sỹ, hình ảnh của những anh giải phóng quân, cô dân quân, những người phụ nữ miền Nam trung kiên, anh dũng, hình ảnh những trận đánh, chăm sóc thương binh... được tái hiện một cách sinh động, chân thực, phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, khát vọng hòa bình, tinh thần lạc quan của dân tộc Việt Nam.”

Nhiều tác giả và nhân vật trong những bức ký họa đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Do đó, những tác phẩm trở thành di sản vô giá, là ký ức chiến tranh sẽ còn được lưu truyền trong nhiều thế hệ.

Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 3Họa sỹ Nguyên Dương tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tham quan triển lãm, họa sỹ Nguyên Dương bày tỏ sự xúc động trước những “trang nhật ký chiến trường” bằng màu sắc và đường nét. Là một họa sỹ-chiến sỹ miền Bắc, ông đồng cảm sâu sắc với những gì mà các đồng đội phía Nam của mình đã trải qua.

“Thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh nên những tác phẩm đều sống động và mang hơi thở của thời cuộc. Tôi cũng vừa hành quân vừa sáng tác nên tôi hiểu những hy sinh gian khổ của các họa sỹ miền Nam. Những bức ký họa được vẽ rất nhanh nhưng vẫn mang sức mạnh tư tưởng và tính nghệ thuật không kém các tác phẩm được thai nghén và thực hiện trong thời gian dài,” ông nhận xét.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 8/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Một số tác phẩm trong triển lãm:

Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 4Ký họa 'Má Hai Ghé' của tác giả Cổ Tấn Long Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 5'Ngoan cường trong chiến đấu' (ký họa màu nước), tác giả Cổ Tấn Long Châu.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 6“Hoa Xuân trên cáng thương”, Bột màu (tác giả Huỳnh Phương Đông). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 7'Khánh Bình Tây' (ký họa màu nước), tác giả Thái Hà. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Song lai ky uc ve chien truong mien Nam 1954-1975 qua nhung buc ky hoa hinh anh 8'Những đôi vai' (ký họa bút sắt), tác giả Nhất Tâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
 
 
Theo Minh Thu
vietnamplus.vn