Tim hieu phong tuc ngay Tet Doan Ngo tai Hoang thanh Thang Long hinh anh 1Các pano giới thiệu nghi lễ, phong tục Tết Đoan Ngọ xưa. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đoan Ngọ (Đoan Dương) là tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng Năm tháng Năm âm lịch.

Theo giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam rất khác nhau. Ngày Tết Đoan Ngọ trong các triều đại phong kiến, trong cung đình và dân gian cũng có những nghi thức và phong tục khác nhau. Ông đánh giá trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long đã kết hợp hài hòa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian.

“Trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc,” ông nói.

Để chuẩn bị cho nghi lễ này, triều đình giao cho bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ. Làng Đào Xá thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa (nay là làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) được giao trọng trách làm quạt.

Tim hieu phong tuc ngay Tet Doan Ngo tai Hoang thanh Thang Long hinh anh 2Chiếc quạt dài 2,4m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết năm 1503. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Trong thời tiết nóng bức của ngày Tết Đoan Ngọ, nghi thức ban quạt thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà vua giành cho các quan, còn ý nghĩa sâu sắc là ban phúc lành, sức khỏe, bình an,” ông Ngọc cho biết.

Ngoài những nét đặc sắc về nghi lễ cung đình, trong dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục độc đáo như tục “giết sâu bọ,” hái lá làm thuốc nam, đeo bùa ngũ sắc...

“Ngày mùng Năm tháng Năm âm lịch là lúc thời tiết giao mùa, các côn trùng sâu bọ phát triển. Các tục lệ Ngày Tết Đoan Ngọ không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn thể hiện mong muốn hoa thơm trái ngọt và cuộc sống sung túc,” giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Tim hieu phong tuc ngay Tet Doan Ngo tai Hoang thanh Thang Long hinh anh 3Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về nghề làm quạt. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Dự lễ khai mạc chương trình, ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức hoạt động Tết Đoan Ngọ tại Di tích Hoàng thành Thăng Long bởi đây là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt, mang nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Tôi mong rằng các hoạt động giáo dục di sản như thế này sẽ tiếp tục được tổ chức bởi việc duy trì thực hành di sản phi vật thể sẽ hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể. Hoạt động này cũng cần được lan tỏa trong cộng đồng để giới trẻ hiểu thêm về truyền thống, cội nguồn. Nhân đây, tôi cũng xin khẳng định UNESCO sẽ luôn ủng hộ công tác nghiên cứu, quảng bá di sản của Việt Nam,” ông nói.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội 4 cây ngô đồng để trồng tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là loại cây quý, gắn với mảnh đất cố đô. Mỗi mùa Xuân về, hình ảnh ngô đồng trổ hoa tím biếc ven dòng sông Hương hay trong Đại nội Huế đã tạo cảnh sắc thơ mộng tuyệt đẹp cho cố đô.

 
Theo Minh Thu
vietnamplus.vn