Giữa thời dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngành truyền thông đại chúng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười."
Một số cơ quan truyền thông hưởng lợi nhờ số lượng độc giả tăng vọt trong khi những nơi khác đang chật vật để tồn tại khi doanh thu quảng cáo “bốc hơi."
Nhưng có lẽ điều đáng nói nhất là thực trạng này dẫn đến những thách thức lớn hơn khi phải tìm cách phân biệt tin thật và tin giả trong thời đại truyền thông số hóa thế kỷ thứ 21. Trong bối cảnh đó, sự tín nhiệm của các cơ quan truyền thông trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Trên tinh thần đó, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã tiến hành thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc đưa tin về dịch COVID-19.
Kết quả cho thấy quốc gia có mức tín nhiệm truyền thông cao nhất là Việt Nam với 89% số người Việt Nam được hỏi tin tưởng vào truyền thông trong nước. Xếp thứ hai là Ấn Độ với 67% và tiếp đó là Trung Quốc với 62% số người được hỏi.
Tâm lý “nửa tin nửa ngờ” của độc giả lại tồn tại ở một số nước châu Âu. Khoảng 54% số người Đức tham gia cuộc thăm dò tin rằng truyền thông trong nước đưa tin chính xác về tình hình dịch COVID-19 và tỷ lệ này tại Tây Ban Nha là 50%.
Tại Mỹ, nơi các bản tin đưa về những lời chỉ trích của Tổng thống Donald Trump đối với tin giả và “truyền thông kém chất lượng” lấn át cả cuộc khủng hoảng hiện nay, mức độ tin tưởng của độc giả vào thông tin COVID-19 ở nước này chỉ đạt 42%. Dẫu vậy, tỷ lệ này cũng cao hơn Italy chỉ với 38% số người được hỏi.
Tại Anh, giữa lúc truyền thông và độc giả đang bị chia rẽ sâu sắc bởi sự kiện Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), ít ai bất ngờ khi thấy mức tín nhiệm của độc giả đối với truyền thông nước này liên quan đến dịch COVID-19 xuống mức gần thấp nhất trong bảng với 31%. Xếp ngay sau Anh là Pháp với chỉ 26% số người được hỏi.