Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, sáng 10/6, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Như vậy, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ ngày 10/6, đã 55 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 6 giờ ngày 10/6, Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 9.136, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện (151 ca), cách ly tập trung tại cơ sở khác (8.087 ca) và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 902 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 2 ca.
Liên quan đến bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sức khỏe bệnh nhân 91 (phi công người Anh) tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực, đáng kinh ngạc.
Bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt, vận động cải thiện nhiều, tay có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím, chân còn yếu.
Về phổi thì đã phục hồi dần, chỉ cần oxy nồng độ thấp, cơ hô hấp còn yếu, đang được tập cai máy thở dần. Bệnh nhân sau thời gian chướng bụng đã có thể ăn lại qua đường tiêu hóa và chức năng thận đã phục hồi.
Trước đó, tối muộn ngày 8-6, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông báo bệnh nhân phi công người Anh có thể ngồi dậy được, tự viết vào bảng và bấm điều chỉnh được độ cao của giường bệnh.
“Khi xem những hình ảnh về sự phục hồi của bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy gửi ra, không chỉ cá nhân ông mà các thầy, các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn và Tiểu ban Điều trị đều ngỡ ngàng, không thể tin bệnh nhân có thể tiến triển nhanh đến vậy. Đây là kết quả của sự phối hợp, sự tư vấn, trao đổi chuyên môn trong điều trị của Hội đồng chuyên môn, của Tiểu ban Điều trị; đồng thời là sự nỗ lực, cố gắng và tận tuỵ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh trước đó và tiếp theo là Bệnh viện Chợ Rẫy."
"Với những bệnh nhân khác, những tiến triển nhỏ về sức khoẻ đó là bình thường nhưng với bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả 'team' điều trị và Hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện đã cố gắng chăm sóc, điều trị, đưa ra phương án điều bệnh nhân phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ,” Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 84 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, đồng thời cũng đã được hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Tuy nhiên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ, từ sự phục hồi kỳ diệu này của bệnh nhân, có thể nói phương án ghép phổi được đưa ra trước đây để có thể là một trong những giải pháp chính để “cứu” bệnh nhân, hiện đã có khả năng trở thành phương án dự phòng...
Theo vietnamplus.vn