Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn,” toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chính sách đối với người có công với cách mạng.
Vừa chăm lo đến người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, vừa lan tỏa những giá trị truyền thống, đạo lý tốt đẹp, đồng thời thể hiện sự tri ân của cả hệ thống chính trị bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm cao nhất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, tạo động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ, thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng.
Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Nỗi đau chiến tranh bao trùm lên toàn dân tộc.
Để phần nào xoa dịu mất mát của gia đình các chiến sỹ, đồng bào, đầu năm 1946, Hội Giúp binh sỹ tử nạn được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự của Hội.
Trong hoàn cảnh thực dân Pháp quyết cướp nước ta một lần nữa, nhân dân ta buộc phải cầm vũ khí tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ những thành quả cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng và số người chết, bị thương tăng lên nhanh chóng.
Trước tình hình đó, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.
Từ tháng 7/1955, Đảng, Nhà nước ta quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh-Liệt sỹ" để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh-Liệt sỹ" của cả nước.
Đây là ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là dịp để người dân tỏ lòng hiếu nghĩa và tình cảm với các thương binh.
Toàn quốc đến nay đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ; gần 500.000 thân nhân liệt sỹ; trên 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh...
Hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Qua rà soát, người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Không chỉ trong bom đạn của chiến tranh, trong chiến đấu với giặc ngoại xâm, mà ngay cả khi đất nước đã thống nhất, bước sang giai đoạn cách mạng mới, máu của các chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân đội, Công an Nhân dân vẫn đổ.
Các anh đã hiến dâng xương máu mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng.
Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.
Đặc biệt, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu rõ mục tiêu: “Chú trọng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, người gặp khó khăn trong cuộc sống. Tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng phải là mức cao nhất trong các chính sách xã hội; có chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục-đào tạo, việc làm, sản xuất và tạo thuận lợi cho người có công và thân nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.”
Trong những ngày tháng Bảy truyền thống lịch sử này, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm hỏi, tặng quà và tham dự nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân; các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng trong công tác chăm sóc người có công.
Chủ tịch nước tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%.
Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ.
Để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, với hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, cả nước đã hoàn thành việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho gần 400.000 hộ người có công với cách mạng, đồng thời đang triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn đến năm 2025 với dự kiến trên 162.000 hộ, kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Các công trình ghi công liệt sỹ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sỹ.
Tiến hành chuẩn hóa thông tin bia mộ liệt sỹ, 2 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sỹ vô danh," đến nay trong cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin” theo quy định.
Đối với việc xem xét, công nhận người có công với cách mạng, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ; trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sỹ, phần lớn là liệt sỹ trong thời kỳ chống thực dân Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Những kết quả mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, phần nào góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Những kết quả “Uống nước nhớ nguồn” đó như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn”./.