Pho Thu tuong: Dam bao hieu qua trien khai thu phi tu dong khong dung hinh anh 1Phương tiện dán thẻ thu phí tự động đi vào làn đường của trạm thu phí
được lắp đặt thu phí tự động. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngày 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan bàn giải pháp giải quyết các nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Không được sử dụng nguồn thu phí để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án do VEC quản lý, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến 31/12/2020, các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.

Riêng đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện vốn của dự án.

Đối với các trạm do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ chia dự án thu phí không dừng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm, đã hoàn thành 40/44 trạm.

Riêng đối với 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, mới chỉ có tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ đã lắp đặt, vận hành 15/40 làn thu phí; 4/5 tuyến cao tốc do VEC quản lý do vướng mắc về nguồn vốn nên đến thời điểm này chưa thể triển khai thực hiện.

Giai đoạn 2 gồm 33 trạm, đã lựa chọn xong nhà đầu tư là Tập đoàn Viettel và một số doanh nghiệp công nghệ. Hiện đang hoàn thiện lựa chọn nhà thầu để phấn đấu hoàn thành lắp đặt trước 31/12/2020.

Đối với 19 trạm còn lại của địa phương, hiện có 6 trạm đã áp dụng thu phí không dừng kết nối với dự án giai đoạn 1 do Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai. Các trạm còn lại đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Để thực hiện thu phí không dừng tại các dự án của VEC, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai theo hướng VEC đầu tư, vận hành hệ thống thiết bị tại trạm thu phí, kết nối với trung tâm dữ liệu của các nhà cung cấp dịch thu phí không dừng được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn. Tuy nhiên, do có nhiều vướng mắc, đặc biệt là về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện không đáp ứng yêu cầu.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng doanh thu thu phí tại 5 dự án cao tốc (Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Bến Lức-Long Thành) do VEC quản lý để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại các dự án của Tổng công ty này.

Ý kiến của các bộ, ngành tại cuộc họp cho thấy, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn để triển khai hệ thống thu phí không dừng. Đây là dự án của doanh nghiệp nên ngân sách nhà nước không thể đầu tư, trong khi vay vốn nước ngoài cũng không được.

“Vốn ngân sách nhà nước không có, vốn vay nước ngoài cũng không có. VEC chỉ còn duy nhất nguồn thu phí, thu để trả nợ. Hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của dự án cao tốc nên Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cho VEC sử dụng nguồn thu phí của các dự án để đầu tư và trả chi phí vận hành hệ thống thu phí không dừng,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Theo ông, về bản chất, các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT mà là hợp vốn từ nhiều nguồn, vay tiền đầu tư và thông qua hình thức thu phí để hoàn trả tiền đi vay. VEC tổ chức thực hiện, đang vận hành khai thác và tổ chức thu phí 4/5 dự án, còn dự án Bến Lức-Long Thành đang triển khai thi công xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết các dự án đường cao tốc do VEC quản lý phải thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi tính đến hạn của các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

VEC có hiện tượng chậm trả các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Tình trạng này nếu tiếp tục tái diễn sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để thanh toán khối lượng hoàn thành các dự án, kể cả đối với dự án thu phí không dừng. Nguồn thu phí của dự án phải được ưu tiên trả nợ.

Chính vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không được sử dụng nguồn thu phí của các dự án do VEC quản lý để trả chi phí đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng.

Việc sử dụng nguồn thu phí của các dự án để thực hiện đầu tư trạm thu phí không dừng hay thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án sẽ làm thay đổi phương án tài chính của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có thể bỏ vốn đầu tư được không, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, SCIC có tiền nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, doanh nghiệp này phải đầu tư đúng mục đích, tôn chỉ của Chính phủ là làm sao bảo toàn, phát triển vốn. Nếu ở góc độ đầu tư để sinh lời, có nguồn thu phí dịch vụ, vẫn có thể làm được. Doanh nghiệp đầu tư để tạo ra lợi nhuận là tốt nhưng phải điều chỉnh quyết định đầu tư. Hiện, cũng có hướng khác là để doanh nghiệp đầu tư vào, chẳng hạn như Viettel, sau đó trả phí cho họ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhận định, trước đây, khi xây dựng dự án chưa tính đến việc đầu tư hệ thống thu phí không dừng. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tế, phát sinh nhu cầu khách quan đó và phần phát sinh này có thể được coi là một cấu phần tất yếu trong dự án. Nếu được cấp có thẩm quyền bổ sung, việc sử dụng một phần phí thu được để đầu tư trạm thu phí tự động không dừng cũng không trái với quy định.

Theo đề xuất của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thu Vân, VEC cần xây dựng phương án, nếu không thể cấp từ ngân sách Nhà nước, VEC có thể tự đi vay. Nếu VEC không làm được, có thể để hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí hiện tại thực hiện.

Cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trước đây, khi xây dựng các tuyến cao tốc, chúng ta chưa tính đến việc thu phí tự động không dừng và áp dụng việc thu phí thủ công. Việc này ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây ùn tắc tại các trạm thu phí, chưa công khai và minh bạch nguồn thu phí này với nhân dân.

Pho Thu tuong: Dam bao hieu qua trien khai thu phi tu dong khong dung hinh anh 2Biển báo chỉ dẫn làn thu phí tự động. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Vì vậy, việc Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định và chỉ thị về triển khai thu phí tự động không dừng là đúng đắn và cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, yêu cầu đến 31/12/2020, phải hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng, đây là yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc.

Đối với các trạm thu phí do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần tính toán kỹ lưỡng các phương án về tài chính, công nghệ, nhà cung cấp, “phải đúng, phải trúng, phải chặt” để tiến hành tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, bảo đảm không được xảy ra lãng phí, tham nhũng khi thực hiện.

VEC là doanh nghiệp nên cần năng động theo cơ chế thị trường, không chỉ trông chờ vào nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Theo Chu Thanh Vân
vietnamplus.vn