Liên minh châu Âu (EU) là một thị trường và là một đối tác "khó tính" với nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe, nhưng nếu có cách thức tiếp cận phù hợp, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành, xây dựng được nền kinh tế xanh, hướng đến các giá trị bền vững.

Do đó, với việc EVFTA đã có hiệu lực thực thi, việc nhận diện rõ hơn về đối tác và thị trường EU, cũng như lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc ý kiến từ các chuyên gia sẽ phần nào giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội do EVFTA mang lại.

Nhận diện thị trường và đối tác EU

Dưới góc độ một nhà quản lý nhà nước là thành viên của EU, Phó Đại sứ, Tham tán thương mại Đức tại Việt Nam, ông Weert Borner cho rằng một xu hướng hiện đang làm thế giới lo lắng hơn cả đại dịch COVID-19 là biến đổi khí hậu, nên vấn đề EU quan tâm là các tiêu chuẩn về môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh phát triển bền vững.

Theo ông, người tiêu dùng Đức và EU rất quan tâm đến các sản phẩm không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh của Bureau Veritas Việt Nam - một tập đoàn hàng đầu EU chuyên về chứng nhận quốc tế cho biết các tiêu chuẩn của thị trường EU là các tiêu chuẩn rất cao, thực sự là một thách thức lớn đối các doanh nghiệp Việt Nam đa số là vừa và nhỏ.

Do đó, khi bị áp lực về kinh tế và sản xuất, một số doanh nghiệp Việt Nam chỉ áp dụng một số tiêu chuẩn mang tính đối phó, nên chưa mang lại hiệu quả cải thiện về chất cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam rằng, với EVFTA, việc EU hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật và cho phép tự chứng nhận xuất xứ (CO) tưởng chừng là buông lỏng kiểm soát, nhưng sự thực là EU kiểm soát rất chặt chẽ, luôn chú ý hậu kiểm và sẵn sàng trả đũa các hành vi trục lợi bất hợp pháp.

Một bằng chứng là OLAF - Cơ quan điều tra chống gian lận của EU đã làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Bỉ để cân nhắc việc mở rộng điều tra sang Việt Nam khi thấy Việt Nam tăng xuất khẩu một số mặt hàng của Trung Quốc bị áp thuế.

Làm rõ hơn về vấn đề này, bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng Điều tra thiệt hại và Tự vệ, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, cho đến nay EU đã điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với 14 vụ việc liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá và chống lẩn tránh, đa số liên quan đến hoạt động lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng Trung Quốc lẩn tránh thông qua Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Giang, rất may là đa số các biện pháp này đều đã hết hiệu lực, duy nhất chỉ còn biện pháp tự vệ đối với ngành thép là vẫn còn hiệu lực.

Theo bà, thách thức thật sự ở đây là nguy cơ bị EU điều tra phòng vệ thương mại là hiện hữu, nhưng nhận thức của các doanh nghiệp, ngành nghề Việt Nam về vấn đề này còn chưa cao, năng lực kháng kiện còn hạn chế và chưa phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý vụ việc.

Dưới góc độ doanh nghiệp EU đang đầu tư tại Việt Nam, ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho rằng vấn đề mà Bosh và các nhà đầu tư EU khác quan tâm đến Việt Nam là việc bảo hộ các đầu tư của mình trước các thách thức như tranh chấp thương mại; thách thức về việc tuyển dụng được lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động có chuyên môn cao; cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) chất lượng cao, đặc biệt là các ngành về công nghệ và các ngành liên quan đến chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; tính minh bạch và tính nhất quán trong diễn giải và thực thi luật pháp của các cơ quan quản lý.

Vậy Việt Nam cần làm gì?

Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, do doanh nghiệp EU đã quá quen thuộc với quy trình, thủ tục số hóa và trực tuyến, nên để nắm bắt được cơ hội và lợi ích của EVFTA, vấn đề mấu chốt của Việt Nam là cần tiếp tục cải cách hành chính hơn nữa, đơn giản hóa, hiện đại hóa các quy trình về hành chính, cũng như số hóa quá trình thương mại.

Còn theo ông Guru Mallikarjuna, mặc dù chất lượng của lực lượng lao độngViệt Nam đứng ở vị trí 87/190 quốc gia, một vị thế tương đối tốt, nhưng để nắm bắt được các lợi ích của EVFTA vấn đề mấu chốt không chỉ là tiếp nhận hay áp dụng công nghệ 4.0 mà cần phải tái đào tạo, tìm ra những người tài năng để có thể triển khai, điều hành và phát triển công nghệ mới.

Tan dung EVFTA vuot qua dai dich: Nhan dien doi tac, lien tuc doi moi hinh anh 1Trồng xoài xuất khẩu tại An Giang. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam cần tiếp tục cải cách, khuyến khích về thuế, phi thuế để thu hút doanh nghiệp FDI có chất lượng, giúp nâng chất công nghệ và nguồn lực con người. Và Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm thành công của Malaysia trong chuyển đổi số và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số khi hỗ trợ một phần tài chính cho các doanh nghiệp có khả năng.

Việt Nam cũng có thể thành lập các nhóm công tác như EuroCham thành lập các Ủy ban ngành để doanh nghiệp EU có thể trở thành bạn đồng hành với quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ ở doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với vấn đề phòng tránh nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, theo bà Phạm Hương Giang, ngoài việc tuân thủ đúng các quy định, quy chuẩn, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị đầy đủ kiến thức và năng lực về kháng kiện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước cũng như thường xuyên theo dõi các cảnh báo trên website của Cục Phòng vệ thương mại về danh sách các mặt hàng có khả năng bị EU điều tra.

Liên quan đến việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được cơ hội phát triển trong áp dụng các tiêu chuẩn EU, thực hiện còn mang tính đối phó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, các doanh nghiệp cần hiểu rằng rất may là các tiêu chuẩn quốc tế hướng đến việc cải tiến liên tục.

Nó là công cụ để giúp doanh nghiệp cải thiện dần dần. Khi áp dụng các tiêu chuẩn và công cụ quản lý này, các doanh nghiệp sẽ học hỏi được cách thức thực hành sản xuất tốt, có cơ hội nâng cấp, xây dựng được nền kinh tế xanh bền vững, tăng sức cạnh tranh và tạo thuận lợi hơn cho thương mại của doanh nghiệp so với đối thủ khác.

Bà Hương cho rằng mặc dù có rất nhiều tiêu chuẩn quốc tế cho các ngành nghề, nhưng doanh nghiệp cần xác định mình ở lĩnh vực nào để lựa chọn tiêu chuẩn và hệ thống quản lý phù hợp.

Tham mưu các giải pháp đối với chính phủ, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ và EU mong muốn hai bên xem xét nâng cấp các kỳ họp song phương lên cấp cao như EU đang thực hiện với Trung Quốc, Nhật Bản, Canada…

Đồng thời, Chính phủ cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận CO điện tử, tự chứng nhận CO, những cũng phải có biện pháp hậu kiểm không để doanh nghiệp lợi dụng đưa hàng không phải của Việt Nam vào EU.

Về phía doanh nghiệp, ông Quân cho rằng cần cân nhắc thêm lĩnh vực y tế, một lĩnh vực EU đang rất quan tâm hiện nay; đồng thời cần có chiến lược kinh doanh bài bản, lâu dài, tin cậy, nỗ lực cải cách, đáp ứng các tiêu chuẩn của EU; nâng cao ý thức tự bảo vệ, chủ động phát hiện các xu hướng kinh doanh không phù hợp của cả hai phía để cảnh báo cho các cơ quan nhà nước có biện pháp đảm bảo lợi ích chính đáng của Việt Nam; khắc phục tình trạng các bản chào hàng còn sơ sài, thiếu chuyên nghiệp có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh.

Gợi mở hướng kinh doanh còn nhiều tiềm năng, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại tại Thụy Điển cho rằng, bên cạnh việc khai thác thị trường Tây Âu truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc khai thác thêm thị trường Bắc Âu và Latvia, dù là thị trường ngách nhưng dư địa rất lớn.

Vì theo bà, thị trường này phù hợp với năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với xu thế hiện nay khi dịch COVID-19 cho thấy rõ nếu quá phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống sẽ mang lại rủi ro lớn.

Để thành công ở thị trường này, theo bà Thúy, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, chọn phân khúc phù hợp với sản phẩm và quy mô, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại; khắc phục các điểm yếu thường gặp ở doanh nghiệp Việt Nam về cam kết giao hàng và dịch vụ sau bán hàng.

Hiện nay, với sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu thông tin về thị trường, quảng bá, tìm đối tác qua liên hệ trực tiếp hoặc qua các kênh số hóa của Bộ Công Thương, hệ thống các thương vụ Việt Nam tại các nước EU, Sở Công Thương các tỉnh thành, Văn phòng EuroCham và hiệp hội doanh nghiệp của các nước EU tại Việt Nam.

Theo Minh Hưng
vietnamplus.vn